Vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của núi, của biển làm say lòng bất cứ ai đến Cống Đầm.
>> Thông tin du lịch mới nhất về vịnh Hạ Long
Làng chài Cống Đầm
Vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của núi, của biển làm say lòng bất cứ ai đến Cống Đầm. Nơi đây là khu vực bảo tàng địa chất ngoài trời mà nổi bật là khu vực công viên đá xếp với những dãy núi được hình thành từ những tảng đá xếp chồng lên nhau theo nếp thẳng tắp hoàn toàn tự nhiên nhưng lại như có bàn tay xếp đặt của con người.
Là khu vực tập trung rất nhiều các tùng áng, các rặng san hô, các hồ nước ngầm trong lòng núi đá vôi và các hang động ngầm dưới nước. Đây cũng là khu vực có nhiều bãi biển lớn, nhỏ với cát trắng, nhỏ mịn, nước trong xanh.
Điểm độc đáo mà du khách gặp ở Cống Đầm là một ngôi làng nhỏ, cổ còn giữ lại được hầu như nguyên vẹn các nét văn hóa truyền thống vạn chài. Bạn sẽ thỏa lòng khi trò chuyện với người dân làng chài Cống Đầm, nghe họ kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sông nước hay ngồi trên chiếc thuyền nan do cô gái làng chài xinh xắn khua mái chèo đưa bạn đi khám phá những dãy núi hùng vĩ, những ngôi nhà nhỏ xinh.
Là khu vực khá xa đất liền và cách biệt hoàn toàn với các tuyến du lich thông thường nên phong cảnh ở đây còn giữ được nhiều nét hoang sơ và một môi trường rất trong sạch. Du khách đến đây ngoài tham gia các hoạt động thú vị như chèo kayak, đánh cá cùng ngư dân còn có thể cùng chúng tôi tham gia trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường.
Làng chài Cửa Vạn
Khi nghe cái tên “làng chài” ai cũng nghĩ đó là 1 ngôi làng như bao ngôi làng khác, sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nằm trên 1 đảo nhỏ. Nhưng khi tận mắt chứng kiến, mới vỡ lẽ, làng chài này được tạo nên từ những ngôi nhà liêu xiêu, kèo cột vào nhau dựng trên biển, có những căn dựa vào vách núi, có những căn nằm giữa biển… Từ bao đời nay, tồn tại trong lòng di sản Vịnh Hạ Long là đời sống của các ngư dân làng chài Cửa Vạn. Khác với cuộc sống trên cạn, mọi hoạt động của người dân nơi đây gắn liền với sông nước.
Làng chài Cửa Vạn có nguồn gốc từ hai làng chài cổ là Giang Võng và Trúc Võng, cùng với các hòn đảo, trở thành một bộ phận cấu thành Vịnh Hạ Long, nay thuộc địa phận phường Hùng Thắng (TP Hạ Long). Làng chài Cửa Vạn hiện là nơi sinh sống của nhiều hộ dân sống bằng nghề chài lưới. Cả làng chài được bao bọc bởi 1 khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, bởi núi đá chập chùng, nước biển thăm thẳm và bầu trời trong xanh.
Trên mặt nước bồng bềnh, những chiếc thuyền nhà kết liền với nhau và nhà này sang nhà kia trên một chiếc cầu nhỏ bắc ngang. Chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là phương tiện kiếm sống nay đây mai đó. Sáng ra Cửa Dứa, chiều về Cống Đông, mai đã ra tận Cát Bà, Ngọc Vừng, Cô Tô... Trời yên, biển lặng, dân chài neo thuyền, thả lưới, buông câu, bắt tôm cá. Biển động, sóng to thì vào hang, về đất liền cư trú đợi lúc bình yên. Rất nhiều du khách đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp riêng của làng chài. Những ngôi nhà thuyền nổi lênh cùng những chiếc bè thả cá, đan xen nhau, con người Cửa Vạn bình dị, chân chất mà mến khách vô cùng.
Giờ đây mới có lớp học. Trên diện tích 150m2 được neo đậu dưới chân núi Ngọc, trường học của làng chài vẻn vẹn chỉ có bốn phòng học và một vài phòng nhỏ dành cho giáo viên. Không tiện nghi, cũng không khang trang nhưng trường học lúc nào cũng nhộn nhịp những bước chân thoăn thoăn, những gương mặt hồ hởi tới trường.
Làng chài Cửa Vạn là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước bởi khung cảnh bình yên, hiền hoà nhưng thu hút trí tò mò của du khách nhất là Trung tâm văn hóa nổi – là mô hình Trung tâm văn hoá nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài được xây dựng tại Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá làng chài thông qua các sinh hoạt truyền thống cũng như hoạt động giao lưu giữa cộng đồng dân cư và du khách.
Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn có diện tích 330 m2, sưu tầm và giới thiệu hàng trăm hiện vật khảo cổ, trong đó có những dụng cụ, phương tiện đánh bắt hải sản của người Việt cổ, nhiều hình ảnh, phim tư liệu, các ấn phẩm về văn hoá dân gian, đời sống của những cư dân làng chài sống trên Vịnh Hạ Long xưa và nay. Điều đáng ngạc nhiên, khi biết những hướng dẫn viên đang thuyết minh một cách chuyên nghiệp kia lại là con em làng Cửa Vạn chưa qua một trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào.
Có một loại hình du lịch mà rất nhiều du khách thích thú khi đến thăm làng Cửa Vạn là thú câu mực đêm. Đi theo đoàn thuyền trong làng ra khơi câu mực, tôi cảm nhận được vị mặn mòi của biển, dưới ánh trăng, cùng ngọn đèn loang loáng sáng, những thanh niên trong làng buông cần. Những chú mực thấy sáng rủ nhau lên, chỉ một loáng mực đã đầy thau. Sau khi câu mực, du khách nghỉ đêm tại các gia đình ngư dân làng chài, được nghe những câu hò biển, thưởng thức đặc sản từ biển do những người dân làng chài làm ra.
Những đêm làng chài vào hội, hoặc có đám cưới, du khách còn được nghe dân chài hát ghẹo, hát chèo đường (một hình thức diễn xướng với nhiều làn điệu dân ca đặc hữu vùng Vịnh Hạ Long). Nhiều chuyên gia, du khách đến đây đã nói rằng đến Cửa Vạn là để tìm hiểu văn hóa của các ngư dân trong lòng di sản.
Làng chài Ba Hang
Làng chài Ba Hang nằm cạnh động Thiên Cung, Làng chài có khoảng 50 hộ dân sinh sống. Phần đông trong các hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản để sinh sống. Gần đây, khi nhiều du khách đến thăm làng chài, một số hộ đã chuyển sang nghề dịch vụ du lịch như bán hải sản cho du khách.
Làng chài Vông Viêng
Vông Viêng là một làng chài nổi lớn có dân cư sinh sống ổn định lâu đời nằm ở phía đông bắc. Nằm cách đất liền 1 tiếng đồng hồ đi tàu từ cảng tàu Bãi Cháy, Vông Viêng là làng chài lớn thứ hai trên vịnh Hạ Long sau làng chài Cửa Vạn. Với những nét độc đáo trong cảnh quan, phong tục và dịch vụ du lịch, Vông Viêng đang ngày càng hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế với loại hình du lịch khá mới mẻ - du lịch trải nghiệm.
Làng chài Vông Viêng là một cộng đồng thủy cư vô vùng độc đáo với 68 hộ dân sinh sống quần tụ men theo các rìa đảo đá. Họ sống trên các nhà bè kiên cố được dựng bằng gỗ và các phao nổi, nằm san sát nhau tạo thành đường đi như trên đất liền. Đối với người dân Vòng Viềng, thuyền, ghe vừa là phương tiện đi lại vừa là phương tiện mưu sinh chủ yếu của ngư dân với nghề chài lưới, nuôi trồng hải sản...
Ở làng chài, các em cũng được đến trường, nhưng chỉ hết lớp 5. Để tiếp tục học lên lớp 6 các em phải về đất liền. Ở làng chài cũng có chợ, một kiểu chợ nổi mà hàng hóa là những đồ ăn thức uống từ đất liền như thịt, rau củ... sẽ được đem bán đến tận từng nhà bè.
Những năm gần đây, với sự hướng dẫn của Hiệp hội Du lịch và sự cộng tác của các công ty lữ hành khai thác du lịch trên Vịnh Hạ Long, dịch vụ chèo đò đưa đón du khách tham quan làng chài vừa tạo nên điểm nhấn, vừa tăng thu nhập cho bà con ngư dân.
Vông Viêng là địa điểm thu hút hàng vạn du khách mỗi ngày vì cảnh quan đẹp, sạch sẽ và đặc biệt vẫn giữ được những nét nguyên sơ của một làng chài truyền thống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét